đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Danh ca Chế Linh của miền Nam tự do ngoài giọng ca thiên phú hết sức điêu luyện, từng làm say mê hàng triệu trái tim Việt Nam suốt hai thập niên 1960 và 1970 và luôn cả bây giờ sau cuộc đổi đời vào Tháng Tư, 1975, còn là một nhạc sĩ tài ba với hàng chục nhạc phẩm có giá trị nghệ thuật cao để lại cho đời.

Bạn đang xem: đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất

Nhạc phẩm “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” của Tú Nhi và Bằng Giang. (Hình: Tài liệu)

Trong số những nhạc phẩm để đời của người nhạc sĩ kiêm ca sĩ này, phải nói tới nhạc phẩm “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” mà nhạc sĩ Tú Nhi, tức danh ca Chế Linh, đã sáng tác cùng với nhạc sĩ Bằng Giang hồi năm 1966 giữa lúc cuộc Chiến Tranh Việt Nam đang đến độ khốc liệt.

Bài hát được viết theo thể điệu Boléro lente chậm buồn này là lời tâm sự vào một đêm khuya của một anh lính miền xa gởi về cho người yêu chốn quê nhà để tỏ bày niềm thương yêu chất ngất trong tim giữa khung cảnh núi rừng thâm u, nơi tiền đồn heo hút đang ở vào mùa mưa tưởng chừng như bất tận tại một tỉnh lẻ thuộc Cao Nguyên Trung Phần.

“Ðã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi, tơ duyên xưa còn hay mất?/ Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào!”

Từ độ xa em để lên đường cầm súng bảo vệ quê hương đến nay, anh không biết cuộc tình duyên của đôi mình còn hay là mất nữa đây. Và anh cũng chẳng biết em có còn tiếp tục sống cuộc đời học sinh đầy mộng mơ hay là đã thôi học mất rồi.

“Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi/ Mấy năm qua rồi, em, anh không gặp nữa/ Bao yêu thương và nhớ anh xin chép nên thơ vào những đêm buồn.”

Nhớ lại những ngày xưa khi đôi ta chung bước, đôi ta chung trường, anh hay đưa đón em đi trên những con đường vắng. Vì xa cách nhau đã lâu và vì thương em nhớ em, tất cả là em, cho nên anh trút hết tâm sự của mình vào lá thư này để cho những đêm buồn bớt ray rứt.

“Mưa, mưa rơi từng đêm/ mưa triền miên trên đồn khuya/ lòng ai thương nhớ vô biên/ Thương, anh thương ngày đó/ em nhìn anh mắt hoen sầu/ không nói nên câu giã từ.”

Anh ở nơi này đêm nào cũng thấy mưa rơi trên đồn khuya, khiến anh chạnh nhớ tới ngày em tiễn anh lên đường mà đôi mắt đẫm lệ sầu, nghẹn ngào không nói nên câu giã từ anh lên đường vào nơi gió cát.

“Mong, anh mong làm sao/ cho tình duyên không nhạt phai/ theo năm tháng thoáng qua mau/ Yêu, yêu em nhiều lắm/ nhưng tình ta vẫn chưa thành/ khi núi sông còn điêu linh.”

Anh chỉ mong sao cho tình mình không hề nhạt phai dù thời gian có qua mau. Dẫu rằng anh luôn tha thiết yêu em nhưng chúng mình vẫn chưa thể đẹp đôi chỉ vì đất đất nước mình vẫn còn đắm chìm trong khói lửa chiến chinh đó em!

“Ở phương này vui kiếp sống chinh nhân nhưng không quên dệt mơ ước/ Ước ngày nao quê hương tàn chinh chiến cho tơ duyên đượm thắm màu.”

Xin em hiểu cho rằng tuy ở miền xa nhưng anh cũng biết vui với kiếp sống chinh nhân hiện tại, xen lẫn với nỗi buồn thương nhớ em. Anh chỉ mong ước sao quê mình thôi chinh chiến và hòa bình trở lại nơi nơi thì chúng mình sẽ đẹp đôi trong niềm hạnh phúc chan hòa.

“Và phương đó em ơi có gì vui xin biên thư về cho anh/ Nhớ thương vơi đầy, đêm nay trên đồn vắng/ Thương em anh thương nhiều lắm/ Em ơi biết cho chăng tỉnh lẻ đêm buồn!”

Sau cùng, anh mong em nếu có tin gì vui thì xin biên thư kể cho anh biết với. Mà em cũng biết rồi đó, bởi vì đồn anh đóng nơi vùng núi rừng của một tỉnh lẻ cho nên lúc đêm về buồn quá em ơi!

Bìa nhạc phẩm “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” của Tú Nhi và Bằng Giang. (Hình: Tài liệu)

***

Bản tình ca “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” là một bản nhạc tình vừa ướt át mà cũng vừa chan chứa rất nhiều “chất lính” trong số hàng trăm bài “nhạc lính” tại miền Nam tự do thời Chiến Tranh Việt Nam trong thế kỷ trước.

Nói về nhạc tình thì thật khó kiếm đâu cho ra một ca khúc được sáng tác trong các thập niên 1960 và 1970 mà lại tình tứ, thiết tha và sướt mướt đến như vậy. Này nhé, người lính sợ không kịp về để sum họp với người yêu thì tự hỏi câu “tơ duyên xưa còn hay mất.” Kể về mối tình kín đáo của mình thì cho biết đôi bạn “hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi.” Và vì mối tình đẹp như thế nên “anh xin chép nên thơ vào những đêm buồn.”

Rồi khi chàng trai vào lính và trấn đóng nơi tiền đồn heo hút thì năm nào cũng gặp phải cảnh gió núi, mưa mùa của miền Cao Nguyên Vùng II Chiến Thuật, với cảnh “mưa rơi triền miên trên đồn khuya lòng ai thương nhớ vô biên” chỉ vì nhớ lại lúc chia ly “em nhìn anh mắt hoen sầu không nói nên câu giã từ.”

Hơn thế nữa, những từ ngữ diễn tả niềm thương, nỗi nhớ người yêu, như “mong” và “yêu,” cứ được lặp lại để làm cho tình cảm ấy càng thêm sâu đậm: “Mong, anh mong làm sao cho tình duyên không nhạt phai,”“Yêu, yêu em nhiều lắm”

Tuy tình cảm thật là ủy mị và ướt át như thế nhưng người chiến sĩ nơi chốn địa đầu vẫn giữ được tâm hồn lạc quan và niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng, kể rằng mình vẫn “vui kiếp sống chinh nhân nhưng không quên dệt mơ ước.” Và mơ ước đó là “Ước ngày nao quê hương tàn chinh chiến cho tơ duyên đượm thắm màu.”

Thế rồi, vì mang niềm thương nhớ khi vơi, khi đầy như vậy, người chiến sĩ của lòng em chỉ biết trút tâm tư vào đêm vắng, canh dài: “Đêm nay trên đồn vắng thương em anh thương nhiều lắm.” Và người trai lính chiến vẫn cố gắng nhắc nhở người yêu nơi hậu phương thêm một lần nữa trước khi kết thúc lá tình thư, rằng “em ơi biết cho chăng tỉnh lẻ đêm buồn!”

Xem thêm: vì sao lá cây có màu xanh lục

Khỏi phải nói nhiều, “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” đã lột tả hầu như trọn vẹn những gian khổ và hy sinh to lớn của người lính Cộng Hòa trong sứ mạng bảo vệ miền Nam mến yêu, tức nước Việt Nam Cộng Hòa, những mong miền đất này khỏi rơi vào vòng nô lệ của Cộng Sản trong suốt 20 năm dựng nước và giữ nước.

Những gian khổ tột cùng đó của người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã để lại một vết son khó phai mờ trong lịch sử nước nhà, mặc dù những hy sinh cao cả đó, cuối cùng, đã không đủ để giữ vững sự sống còn của miền Nam tự do cho đến ngày nay như hàng triệu người Việt Nam hằng mong ước.

Nhạc sĩ Tú Như (trái), tức ca sĩ Chế Linh, và nhạc sĩ Bằng Giang. (Hình: Tài liệu)

***

Nhạc sĩ Tú Nhi, tức danh ca Chế Linh, còn có một bút hiệu nữa là Lưu Trần Lê. Mặc dù Tú Nhi có những tác phẩm rất giá trị và được nhiều người ưa chuộng, nhưng giọng hát của ca sĩ Chế Linh lại nổi tiếng và được ưa chuộng nhiều hơn vì được liệt vào một trong bốn giọng ca nam để đời tại miền Nam Việt Nam (cùng ba danh ca kia là Duy Khánh, Nhật Trường và Hùng Cường).

Tú Nhi tên thật là Jamlen (Trà-len), tên Việt là Lưu Văn Liên, sinh năm 1942 tại Paley Hamu Tanran, gần Phan Rang (nay thuộc làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Sau khi học hết bậc tiểu học chương trình Pháp ở trường làng và được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý, Chế Linh theo học tiếp bậc trung học tại trường Bồ Đề Phan Rang.

Tháng Tám, 1959, Tú Nhi rời gia đình vào Sài Gòn sinh sống, làm công việc của một quản gia cho một ông chủ người Việt gốc Hoa, và người này đã giúp đỡ cho Chế Linh tiếp tục học thêm.

Năm 1962, đoàn văn nghệ Biệt Chính Biên Hòa tuyển ca sĩ theo đoàn đi hát trong các làng, xã xa xôi, hẻo lánh thuộc tỉnh Biên Hòa. Chế Linh theo đoàn này hát cùng với hai ca sĩ Châu Kỳ và Trúc Phương. Hai năm sau, đoàn văn nghệ tan rã, Chế Linh chuyển sang làm tài xế chở đá tại núi Bửu Long, cũng ở Biên Hòa, nơi ông gặp nhạc sĩ Bằng Giang.

Tú Nhi vừa làm việc, vừa luyện giọng và viết nhạc. Sau đó, Châu Kỳ và Trúc Phương gặp lại Chế Linh và khuyên ông trở về Sài Gòn. Hai nhạc sĩ đó quyết định sáng tác cho riêng Chế Linh những nhạc phẩm về người lính Cộng Hòa, những ca khúc được gọi là “nhạc lính.” Năm 1964, Chế Linh hợp tác với hãng dĩa Continental và cho ra đời đĩa nhạc đầu tay “Vùng Biển Trời và Màu Áo Em,” rồi sau đó ký hợp đồng với hãng dĩa hát Việt Nam.

Đĩa hát đầu tiên do Chế Linh hát cùng nữ danh ca Thanh Tuyền, trong đó có nhạc phẩm “Hái Hoa Rừng Cho Em,” của Trương Hoàng Xuân, được tung ra thị trường và rất ăn khách, đưa tên tuổi của cập song ca này lên đài danh vọng.

Năm 1972, Chế Linh đoạt giải Kim Khánh – huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca – do nhật báo Trắng Đen tổ chức. Trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, thời gian có cuộc tấn công lớn của Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam, Chế Linh bị chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cấm hát vì lời hát quá buồn của ông không phù hợp với cuộc chiến đấu chống Cộng quyết liệt của quân và dân miền Nam lúc đó..

Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, nhạc sĩ Tú Nhi bị chính quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bắt tại Hải Ninh về tội “phản động.” Sau 28 tháng bị biệt giam, Tú Nhi vượt biên thành công sang Malaysia (Mã Lai), sau đó định cư tại Toronto ở Canada. Nơi đây, ông vừa làm việc để kiếm sống vừa trình diễn ca nhạc tại những nơi có người Việt cư ngụ.

Năm 2007, lần đầu tiên, ca sĩ Chế Linh đi theo một đoàn văn hóa của UNESCO về thăm lại và biểu diễn tại Việt Nam. Năm 2011, ông tổ chức liveshow “30 Năm Tái Ngộ” tại Hà Nội.
Về mặt gia đình thì vào năm 21 tuổi, Tú Nhi lấy người vợ đầu tiên và có năm đứa con sau bốn năm chung sống. Ông ly dị người vợ đầu để cưới người vợ thứ hai là em gái của vợ trước. Tú Nhi sống với người vợ thứ hai này được bốn năm và sinh tiếp bốn đứa con. Năm 1972, ông cưới người vợ thứ ba là Thúy Hằng mới 17 tuổi và có thêm hai người con với người vợ này. Cuối năm 1975, sau khi bà Thúy Hằng mất, Tú Nhi làm đám cưới với bà Vương Nga và có thêm ba đứa con nữa.

Nhạc sĩ Tú Nhi sáng tác khá nhiều, trong số đó có ca khúc được ưa chuộng, như “Bài Ca Kỷ Niệm” (với Bằng Giang), “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” (với Bằng Giang), “Mai Lỡ Mình Xa Nhau” (ký Lưu Trần Lê), “Đoạn Buồn Đêm Mưa” (với Vinh Sử), “Mai Lỡ Mình Xa Nhau” 1 & 2 (ký Lưu Trần Lê), “Hát Cho Người Tình Phụ 1 & 2,” “Mưa Bên Song Cửa”…

Nhạc sĩ Bằng Giang là tác giả của một số ca khúc được nhiều người biết đến và ái mộ trước năm 1975, như “Thành Phố Mưa Bay,” “Lính Trận Miền Xa,” “Người Em Xóm Đạo”…

Bằng Giang tên thật là Trần Văn Khôi, sinh năm 1939 tại Biên Hòa. Lớn lên, ông tham gia văn nghệ giúp vui cho các trại lính trong tỉnh nhà.

Năm 1962, ông được người bà con là chủ hầm đá ở Bửu Long giúp đỡ trong cuộc sống cùng với người bạn đồng cảnh ngộ là ca sĩ Chế Linh. Hai sáng tác đầu tiên của ông, đồng tác giả với Tú Nhi, là “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” và “Bài Ca Kỷ Niệm.”

Từ năm 1992, nhạc sĩ Bằng Giang sang định cư ở tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Tại đây, ông tiếp tục sáng tác, phổ thơ của các nhà thơ như Thy Lệ Trang, Hoàng Ánh Nguyệt…

Các sáng tác của Bằng Giang xuất hiện trải dài từ những năm ông còn ở Việt Nam hồi trước năm 1975 ra tới thời gian ở hải ngoại sau biến cố năm 1975, trong số đó có các nhạc phẩm nổi tiếng, như “Thành Phố Mưa Bay,” “Người Em Xóm Đạo,” “Người Về Đơn Vị Mới,” “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ”(với Tú Nhi), “Bài Ca Kỷ Niệm” (với Tú Nhi), “Lính Trận Miền Xa,” “Lời Hát Cho Quê Hương,” “Trăng Cài Nhớ Bước Chinh Nhân,” “Từ Khi Biết Em”… (Vann Phan) [qd]


Nhạc phẩm “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ” của Tú Nhi và Bằng Giang

Ðã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất
Mái trường ơi em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào!
Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi
Mấy năm qua rồi em, anh không gặp nữa
Bao yêu thương và nhớ anh xin chép nên thơ vào những đêm buồn.

Xem thêm: my sister .... for you since yesterday

Đ.K.:
Mưa, mưa rơi từng đêm
mưa triền miên trên đồn khuya
lòng ai thương nhớ vô biên
Thương, anh thương ngày đó
em nhìn anh mắt hoen sầu
không nói nên câu giã từ.
Mong, anh mong làm sao
cho tình duyên không nhạt phai
theo năm tháng thoáng qua mau
Yêu, yêu em nhiều lắm
nhưng tình ta vẫn chưa thành
khi núi sông còn điêu linh.

Ở phương này vui kiếp sống chinh nhân nhưng không quên dệt mơ ước
Ước ngày nao quê hương tàn chinh chiến cho tơ duyên đượm thắm màu
Và phương đó em ơi có gì vui xin biên thư về cho anh
Nhớ thương vơi đầy, đêm nay trên đồn vắng
Thương em anh thương nhiều lắm
Em ơi biết cho chăng tỉnh lẻ đêm buồn!